Chợ nông thôn: Đầu tư nhiều nhưng chưa hiệu quả

Thứ ba - 02/10/2018 14:04 484 0

Thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới, tỉnh Lào Cai đã đầu tư cải tạo, xây dựng mới hệ thống chợ nông thôn. Tuy nhiên, việc đầu tư xây dựng, quản lý chợ đã bộc lộ nhiều bất cập.

Chợ thổ cẩm Tả Phìn (Sa Pa) trở thành điểm tập kết rác.
Chợ thổ cẩm Tả Phìn (Sa Pa) trở thành điểm tập kết rác.

 

Chợ bỏ không, hoạt động kém hiệu quả

Chợ thổ cẩm xã Tả Phìn (Sa Pa) được xây dựng và đi vào hoạt động từ năm 2014. Mặc dù nằm ngay tại khu vực trung tâm xã, nhưng từ khi xây dựng đến nay, chợ chỉ hoạt động được 1 tháng là bỏ hoang. Người dân không vào chợ mua bán, chợ trở thành địa điểm tập kết rác. Khi chúng tôi đến, có thể quan sát rõ toàn bộ mái tôn của chợ đã hư hỏng, nước tràn lênh láng trong chợ. Ngoài sân, một số hộ dùng làm nơi phơi ngô, khu vực bên trong tràn lan các loại rác thải.

Bà Nguyễn Thị Tuất, nhà ở đối diện chợ, cho hay: Mùa này, ngày nào gia đình tôi cũng phải hứng chịu mùi hôi thối bốc ra từ bãi rác trong chợ. Chúng tôi vẫn phải đóng tiền thu gom rác thải sinh hoạt, nhưng đã nhiều lần có ý kiến chuyển nơi tập kết rác đi nơi khác mà vẫn chưa được giải quyết.

Còn chị Lý Tả Mẩy, thôn Trung Tâm (xã Tả Phìn) thì bảo: Khi chợ được xây dựng, người dân đều phấn khởi, chúng tôi thuê gian hàng trong chợ để thêu và bán thổ cẩm. Tuy nhiên, ngồi trong chợ khó bán hàng, vì khách du lịch không ghé vào chợ, hơn nữa lại mất chi phí thuê gian hàng, nên chúng tôi quyết định ra ngoài bán.

Ở một địa điểm khác ngay tại thành phố Lào Cai, chợ được xây, nhưng không phục vụ cho mục đích kinh doanh của người dân, đó là chợ Lục Cẩu, xã Đồng Tuyển. Chợ được xây dựng từ năm 2013, quy mô 25 ki ốt và bắt đầu đi vào hoạt động cuối năm 2016, với hơn 40 hộ đăng ký kinh doanh. Thời gian đầu, có gần chục hộ kinh doanh, nhưng đến thời điểm hiện tại, tất cả ki ốt đều bỏ không. Chị Trần Thị Tươi, thôn 7, xã Đồng Tuyển, thành phố Lào Cai cho biết: Xây chợ tại địa điểm này không hợp lý vì dân cư ít, mà lại gần trung tâm thành phố, nhiều hàng quán bên đường, nên người dân không muốn vào chợ mua bán!

Được biết, địa phương đã tìm giải pháp cho các hộ kinh doanh; chỉ đạo lực lượng chức năng tổ chức dẹp bỏ các điểm bán hàng không đúng quy định xung quanh khu vực chợ, đồng thời tuyên truyền, vận động bà con vào chợ buôn bán, nhưng tình hình vẫn không được cải thiện. Trao đổi về phương án sử dụng chợ trong thời gian tới, ông Hoàng Tân Cương, Phó Chủ tịch UBND xã Đồng Tuyển cho biết: Xã đã có phương án chuyển đổi mục đích sử dụng chợ. Chợ sẽ được giao cho các cá nhân hoặc doanh nghiệp thuê để sử dụng, không tiếp tục bỏ hoang chợ, tránh lãng phí và cũng tránh được việc biến chợ thành địa điểm gây ra các tệ nạn xã hội, mất an toàn cho người dân.

Toàn tỉnh hiện có 77 chợ (20 chợ đô thị tập trung ở thành phố Lào Cai và trung tâm các huyện lỵ; 57 chợ nông thôn), trong đó có 7 chợ hoạt động không hiệu quả, 1 chợ hoạt động hiệu quả thấp và 2 chợ đã chuyển đổi mục đích sử dụng. Việc triển khai xây dựng ồ ạt các chợ theo tiêu chí nông thôn mới mà không xuất phát từ nhu cầu thực tế đã và đang gây lãng phí nguồn lực không nhỏ của Nhà nước cũng như của chính người dân đóng góp.

Nâng cao hiệu quả hoạt động

Theo thống kê của Sở Công thương, đến hết năm 2017, toàn tỉnh có 35 xã hoàn thành tiêu chí cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn, trong đó 19 xã có chợ đạt chuẩn theo quy định và 17 xã có cơ sở bán lẻ đạt chuẩn. Với sự đầu tư mạnh cho hệ thống chợ và các cơ sở hạ tầng thương mại khác, diện mạo thương mại tại địa phương đã thay đổi theo hướng văn minh, hiện đại, hệ thống chợ trên địa bàn tỉnh phát triển đúng theo quy hoạch. Ngoài phục vụ nhu cầu sinh hoạt hằng ngày của nhân dân, nhiều chợ tại khu vực thành thị đã phát huy được vai trò tập trung nguồn hàng và phát luồng bán buôn tới các chợ nông thôn hoặc cửa hàng bán lẻ, đáp ứng nhu cầu cung ứng hàng hóa cho nhân dân, nhất là khu vực vùng cao, vùng xa. Bên cạnh đó, hệ thống chợ còn là nơi sinh hoạt văn hóa, gìn giữ, khôi phục các giá trị văn hóa của đồng bào các dân tộc trong tỉnh, thúc đẩy phát triển du lịch…

Các chợ đạt chuẩn có cơ sở vật chất hoàn thiện, diện tích đủ lớn với đầy đủ các hạng mục chính và được giao cho 1 đơn vị quản lý vận hành, trong đó đã có một số mô hình giao cho hợp tác xã hoặc thương nhân quản lý, khai thác kinh doanh, như chợ Bản Vược (Bát Xát), chợ Bảo Nhai (Bắc Hà).

Nhiều chợ nông thôn trên địa bàn tỉnh đang xuống cấp, không đáp ứng nhu cầu kinh doanh, buôn bán của người dân (ảnh minh họa).

Về những chợ nông thôn đã đầu tư nhưng không phát huy hiệu quả, bà Nguyễn Thị Kim Oanh, Trưởng Phòng Quản lý thương mại, Sở Công thương cho rằng: Các chợ này đều được xây dựng đã lâu, trước thời điểm quy hoạch phát triển mạng lưới chợ (năm 2007), do đó, việc khảo sát, đánh giá thực trạng về nhu cầu và địa điểm xây dựng chợ chưa phù hợp với thực tế. Một số xã đăng ký về đích nông thôn mới đã vội vàng đầu tư xây dựng chợ mà chưa tham vấn ý kiến rộng rãi của người dân và các cơ quan quản lý chuyên ngành. Vì vậy, khi xây dựng xong, chợ không có người họp, hiệu quả thấp, hoặc phải chuyển đổi mục đích sử dụng.

Trước thực trạng đó, Sở Công thương đã đề xuất một số phương án. Đối với các chợ đã xây dựng xong nhưng không hoạt động, giao cho UBND xã, phường quản lý và chuyển đổi mục đích sử dụng phù hợp với địa phương. Đến nay, đã có 4 chợ chuyển đổi sang mục đích khác, gồm chợ Chiềng Ken, Nậm Tha, Dương Quỳ (Văn Bàn), chợ Lục Cẩu (thành phố Lào Cai). Hiện còn 4 chợ hoạt động không hiệu quả đang được nghiên cứu để tiếp tục chuyển đổi trong thời gian tới. Đối với các chợ hoạt động kém hiệu quả, đề nghị chính quyền các địa phương tuyên truyền, vận động nhân dân vào kinh doanh trong chợ, đồng thời kiên quyết xử lý hoạt động của các chợ cóc, chợ lấn chiếm hành lang, vỉa hè, chợ tự phát dọc các tuyến đường giao thông để dần đưa chợ thành nơi trao đổi, mua bán chủ yếu của nhân dân trong vùng. Đối với chợ đầu tư trong thời gian tới, cần thực hiện theo quy hoạch được duyệt, trong đó chú trọng công tác điều tra, khảo sát thực tế, đánh giá đúng nhu cầu, tính cấp thiết của việc đầu tư xây dựng chợ, tôn trọng yếu tố lịch sử của việc hình thành chợ với mục tiêu tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động trao đổi, mua bán của nhân dân để xác định quy mô, vị trí phù hợp. Khi thiết kế và đầu tư xây dựng chợ, cần tuân thủ quy định về tiêu chuẩn thiết kế chợ và các văn bản liên quan, xin ý kiến rộng rãi của các ban, ngành, đặc biệt là xem xét nguyện vọng của các hộ kinh doanh và nhân dân trong khu vực, nhất thiết phải có ý kiến tham gia thẩm định của các cơ quan quản lý chuyên ngành.

Trong thực hiện các tiêu chí nông thôn mới, nếu thấy việc xây dựng chợ chưa thực sự cần thiết thì sớm đề nghị cơ quan có thẩm quyền xem xét loại bỏ việc thực hiện tiêu chí này ra khỏi quy hoạch, tránh tình trạng chợ vừa xây xong phải gánh khoản nợ đầu tư xây dựng cơ bản lớn mà vẫn không mang lại hiệu quả, gây tâm lý hoài nghi, bức xúc trong nhân dân.

THANH HUỆ - HOÀNG THU

Nguồn tin: Báo Lào cai

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

 Văn Bản

16/2023/TT-BVHTTDl

Thông tư ban hành quy định tiêu chí, tiêu chuẩn chất lượng, định mức kinh tế kỹ thuật và hướng dẫn triển khai thực hiện

Thời gian đăng: 18/04/2024

lượt xem: 197 | lượt tải:48

16/2023/TT-BVHTTDL

Thông tư 16/2023/TT-BVHTTDL

Thời gian đăng: 18/04/2024

lượt xem: 50 | lượt tải:9

25/2023/NQ-HĐND

Nghị quyết số 25/2023/NQ-HĐND Bổ sung điểm c khoản 2 Điều 9 của quy định về các loại phí

Thời gian đăng: 18/04/2024

lượt xem: 180 | lượt tải:33

07/2023/TT-BVHTTDL

Thông tư 07/2023/TT-BVHTTDL

Thời gian đăng: 18/04/2024

lượt xem: 48 | lượt tải:10

1346/QĐ-BVHTTDL

Bộ VHTTDL Ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Chương trình “Đẩy mạnh các hoạt động phục vụ học tập suốt đời trong thư viện, bảo tàng, trung tâm văn hóa đến năm 2030”

Thời gian đăng: 18/04/2024

lượt xem: 330 | lượt tải:140
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây