Giữ cương vị Bí thư Chi bộ Ky Quan San, xã Mường Hum (Bát Xát) được 1 nhiệm kỳ, chị Chảo Mùi Phẩy muốn xin nghỉ vì lo bản thân không theo được hết việc của chi bộ, của thôn, nhưng các đảng viên nhất quyết không đồng tình bởi cho rằng chẳng ai làm được nhiều việc như chị.
Bí thư Chi bộ Ky Quan San Chảo Mùi Phẩy. |
Năm 2017, khi chị Chảo Mùi Phẩy được bầu là bí thư chi bộ cũng là thời điểm thôn vùng cao Ky Quan San đang nỗ lực thực hiện các tiêu chí để góp phần đưa xã Mường Hum “về đích” nông thôn mới. Thử thách đầu tiên của nữ bí thư chi bộ là vận động người dân hiến đất làm tuyến đường nội đồng dài 2 km. Có đường bê tông ra ruộng, thuận lợi để vận chuyển máy móc phục vụ làm đất, thu hoạch lúa, nhưng ban đầu không phải ai cũng nhìn ra. Người thì phàn nàn đất ruộng ít, làm đường đi qua chẳng được đền bù, lại có người ý kiến rằng mình ít đi lại trên tuyến đường nên không hiến đất. Chỉ vướng một, hai hộ mà tuyến đường phục vụ khu sản xuất của cả thôn có nguy cơ không thể triển khai. Đến xã hỏi ý kiến rồi nhờ những người có uy tín trong thôn giúp sức vận động, cuối cùng những nỗ lực của chị Chảo Mùi Phẩy cũng đả thông tư tưởng các hộ chưa đồng thuận và con đường bê tông nối từ trục đường liên thôn vắt qua triền ruộng bậc thang được hình thành.
Cùng với làm đường giao thông nông thôn, bí thư chi bộ Chảo Mùi Phẩy còn vận động các hộ trong thôn tích cực phát triển kinh tế gia đình. Trước đây, những triền ruộng bậc thang màu mỡ ở Ky Quan San chủ yếu cấy giống lúa địa phương, năng suất thấp, chất lượng gạo không ngon. Được cấp ủy đảng, chính quyền tạo điều kiện cho đi tham quan, học hỏi các mô hình kinh tế ở nhiều nơi, chị đề nghị xã cử cán bộ khuyến nông giúp một số hộ đưa giống lúa Séng cù về cấy thử nghiệm. Khi thấy giống lúa phù hợp thổ nhưỡng, cho năng suất và chất lượng cao, bà con trong thôn không ai bảo ai nhân rộng ra khắp thôn. Lúa Séng cù gieo cấy trên những triền ruộng bậc thang màu mỡ, nguồn nước trong mát, khí hậu ôn hòa cho ra những hạt gạo trắng dẻo thơm. Tiếng lành đồn xa, giờ đây vào mùa thu hoạch, lúa gặt xong chẳng kịp chở về nhà đã có thương lái ra tận ruộng đặt mua.
Dẫu sao cấy lúa cũng chỉ đủ ăn, bí thư chi bộ Chảo Mùi Phẩy nhớ rõ qua nhiều buổi tuyên truyền, tập huấn ở xã, cán bộ đều bảo Ky Quan San muốn phát triển cần tập trung thực hiện các mô hình sản xuất hàng hóa. Nhưng biết đưa cây trồng, vật nuôi nào vào sản xuất cho phù hợp? Câu hỏi ấy làm chị trăn trở. Chị biết Ky Quan San từng là vùng chè nức tiếng, nhưng do giá bấp bênh, người dân không tập trung chăm sóc nên cây chè xác xơ, lụi đi. Những năm gần đây, cây chè đang dần lấy lại vị thế nhờ các nhà máy chế biến được xây dựng. Chị Chảo Mùi Phẩy nghĩ, nếu khôi phục được vùng chè xưa thì bà con nơi đây sẽ có thêm nguồn thu nhập ổn định. Vậy là chương trình khôi phục cây chè được đưa vào nghị quyết của chi bộ, các đảng viên đi trước vận động anh em, họ hàng chăm sóc diện tích chè đã trồng. Tìm hiểu thêm, chị Phẩy còn biết, nguyên nhân khiến nhiều hộ không chú tâm chăm sóc chè là do thời gian thu hoạch trùng với thời điểm bắt đầu làm đất, gieo cấy vụ lúa mùa. Vì vậy, chị đã nhờ cán bộ khuyến nông thiết kế lịch chăm sóc, thu hái chè không ảnh hưởng đến việc làm đất vụ mùa, các hộ có thể sắp xếp thời gian vừa làm ruộng vừa thu hoạch chè. “Bây giờ thì chẳng còn khoảnh đồi nào trống nữa bởi bà con trồng chè rồi”, chị Phẩy nói.
Để vận động các hộ làm theo, gia đình Bí thư Chi bộ Chảo Mùi Phẩy luôn đi đầu trong thực hiện các mô hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng tại địa phương. Vẫn có những mô hình chưa thực sự phù hợp nhưng chị không nản chí mà coi đó là bài học kinh nghiệm để tiếp tục có giải pháp lãnh đạo phù hợp hơn. Năm nay, xã Mường Hum triển khai mô hình nuôi ngựa, gia đình chị cũng là một trong những hộ thực hiện đầu tiên. Do trước đây đã được học qua lớp thú y nên chị kiêm luôn việc phòng dịch bệnh cho đàn gia súc của thôn, có việc gì liên quan, bà con đều nhờ giúp và chị cũng không nề hà. “Bà con phát triển kinh tế tốt thì cả thôn khá lên, đó cũng là nhiệm vụ của bí thư chi bộ”, chị Chảo Mùi Phẩy tâm sự.
Không nói nhiều về mình nhưng qua niềm vui hiện trên khuôn mặt khi kể về những thành tích của thôn, chúng tôi hiểu trong bức tranh nông thôn mới khởi sắc ở Ky Quan San hôm nay có đóng góp không nhỏ của nữ bí thư chi bộ này. Chị Chảo Mùi Phẩy chia sẻ: Ky Quan San còn phải làm nhiều việc bởi hiện nay các tiêu chí mới đạt mức tối thiểu, đặc biệt là thu nhập và vệ sinh môi trường. Thêm nữa, một số người dân chưa thực sự hiểu mình là chủ thể trong xây dựng nông thôn mới và vẫn trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước.
Chúng tôi tin khi chị Chảo Mùi Phẩy nói ra niềm trăn trở ấy cũng có nghĩa nữ bí thư này đã mường tượng cho mình những hướng giải quyết và hy vọng lần sau trở lại thôn vùng cao Ky Quan San sẽ được chứng kiến những đổi thay mạnh mẽ hơn.
Nguồn tin: baolaocai.vn/bai-viet/212595-nu-bi-thu-chi-bo-duoc-nguoi-dan-tin-yeu
Ý kiến bạn đọc