Gần 12 giờ đêm, đèn cấp cứu ở Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Sản Nhi tỉnh vẫn sáng. Gần 30 phút sau, cửa phòng bật mở, hình ảnh đầu tiên tôi nhìn thấy là nụ cười rạng rỡ của bác sỹ Hồ Thị Kim Hoa. Cô và kíp trực vừa “chiến thắng tử thần” để giành lại sự sống cho một bệnh nhi thêm một gia đình đón năm mới trong hạnh phúc tròn đầy.
Câu chuyện sau kíp trực với bác sỹ Hoa, tôi hiểu được phần nào nỗi vất vả của những “từ mẫu” giữa đời thường. Ngay từ khi còn bé, trong hình dung của cô Hoa, nữ bác sỹ giống như nàng tiên mặc áo trắng chữa bệnh cho người nghèo và cô muốn mình trở thành một người như vậy. Hằng ngày, nhìn những đứa trẻ hồn nhiên trong xóm nghèo nơi gia đình cô sinh sống phải chịu đau do bệnh tật, khát khao trở thành bác sỹ trong cô lại càng cháy bỏng. Vì vậy, sau khi tốt nghiệp THPT, cô đã đăng ký thi vào Trường Đại học Y dược Thái Nguyên. Đến bây giờ, cô vẫn nhớ niềm vui khi nhận được giấy báo nhập học, bởi từ đây, cánh cửa ước mơ đã được cô tự tay mở.
Tốt nghiệp Trường Đại học Y dược Thái Nguyên, cô trở về công tác tại Khoa Nhi, Bệnh viện Đa khoa huyện Bảo Thắng. Ngày ấy, khoa học công nghệ chưa phát triển, thiết bị y tế phục vụ khám, chữa bệnh còn thiếu, nên chẩn đoán và trị liệu dựa vào kiến thức lâm sàng và sự kiên trì của các bác sỹ là chính. Lúc đó, Bệnh viện Đa khoa huyện Bảo Thắng có nhiều bác sỹ tay nghề giỏi, nên cô đã tiếp thu được kinh nghiệm quý phục vụ trong công việc của mình. Không bằng lòng với kết quả của bản thân, cô luôn cố gắng trau dồi kiến thức để trở thành bác sỹ giỏi, chữa được bệnh và hiểu được lòng người bệnh.
Cô kể cho tôi rất nhiều kỷ niệm, nhưng ấn tượng nhất đối với tôi là câu chuyện khi cô đi chuyển giao kỹ thuật tại Bệnh viện Đa khoa huyện Sa Pa. Ở đây, cô gặp một em bé người Mông bị uốn ván - căn bệnh khó chữa vào thời điểm đó. Tình trạng bệnh của em bé lúc đó rất nặng, co giật liên tục và không thở được, cô cùng các bác sỹ phải thức đêm cố gắng điều trị cho bé. Sau một tuần được chăm sóc, điều trị, sức khỏe em bé đã có nhiều tiến triển. Với lương tâm nghề nghiệp, cô xin phép Ban Giám đốc Bệnh viện ở lại thêm một tuần để chữa cho em bé. Cố gắng của cô đã được đền đáp, em bé đã khỏe mạnh và được ra viện sau 3 tuần điều trị. Trong chuyến công tác cách đây 2 năm tại Sa Pa, cô tình cờ gặp lại em bé đó, hạnh phúc biết bao khi em đi học bình thường cùng các bạn mà không bị bất cứ di chứng nào.
2 giờ sáng, câu chuyện của tôi với cô bị cắt ngang bởi cô Hoa lại phải đến khám cho một em bé sinh non bị suy hô hấp nặng. Tôi theo cô đến phòng bệnh. Thấy cô đến, cả phòng chào hỏi rôm rả giống như đón người thân trong gia đình vậy. Chị Nguyễn Thị Phương Mai, ở thôn Hẻo, xã Tả Phời (thành phố Lào Cai) chia sẻ: Khi con bị bệnh, tôi rất lo lắng, nhưng được bác sỹ Hoa trực tiếp khám và điều trị, vợ chồng tôi rất yên tâm…
Ánh mắt đầy niềm tin, chị Mai kể chuyện sức khỏe của con chị hồi phục sau hai ngày điều trị, tôi biết đó là những lời nói từ tấm lòng biết ơn đối với các bác sỹ...
… 7 giờ sáng, kết thúc ca trực đêm, cô Hoa cởi chiếc áo blouse và treo gọn lên móc rồi nói với tôi: “Giờ thì tôi có 6 tiếng đồng hồ để dành cho gia đình và lấy lại năng lượng để tiếp tục ca làm việc buổi chiều và đêm nay”. Khép lại cuộc trò chuyện với cô, tôi hiểu rằng, những người đã lựa chọn trở thành thầy thuốc thì đều có tấm lòng cao cả.
KIỀU THUNguồn tin: Báo Lào cai
Ý kiến bạn đọc