THƯ MỤC CHUYÊN ĐỂ: KỶ NIỆM 70 NĂM GIẢI PHÓNG THỦ ĐÔ (10/10/1954 - 10/10/2024)

Thứ sáu - 04/10/2024 14:04 302 0
THƯ MỤC CHUYÊN ĐỂ: KỶ NIỆM 70 NĂM GIẢI PHÓNG THỦ ĐÔ (10/10/1954 - 10/10/2024)

THƯ VIỆN TỈNH LÀO CAI

PHÒNG NGHIỆP VỤ CÔNG NGHỆ VÀ TRUYỀN THÔNG

***


Căn cứ Văn bản số 555/VHCS-QCTT ngày 26/6/2024 của Cục Văn hoá cơ sở về tuyên truyền kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2024); Văn bản 1288/SVHTT-QLVH ngày 29/8/2024 của Sở Văn hóa Thể thao tỉnh Lào Cai về việc tuyên truyền kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô;
Phòng Nghiệp vụ Công nghệ và Truyền thông- Thư viện tỉnh Lào Cai xây dựng Thư mục chuyên đề Kỷ niệm 70 năm giải phóng Thủ đô (10/10/1954-10/10/2024), nhằm tuyên truyền sâu rộng trong cán bộ, đảng viên và nhân dân về ý nghĩa, giá trị lịch sử to lớn của Ngày giải phóng Thủ đô trong sự nghiệp đấu tranh vì độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; khẳng định sự lãnh đạo đúng đắn, sáng suốt của Đảng Cộng sản Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh và tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc là nhân tố quyết định mọi thắng lợi của Cách mạng Việt Nam.
I. BỐI CẢNH LỊCH SỬ
Sau chín năm kháng chiến trường kỳ, gian khổ, với ý chí không gì lay chuyển được và tinh thần chiến đấu ngoan cường, thông minh, gan dạ, đầy sáng tạo của quân và dân ta, đặc biệt với thắng lợi của chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954 , thực dân Pháp buộc phải ký Hiệp định Giơnevơ ngày 21/7/1954 về đình chỉ chiến sự ở Việt Nam, công nhận độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của ba nước Việt Nam, Lào, Campuchia; chấp nhận rút quân khỏi miền Bắc nước ta.
Theo các điều khoản của Hiệp định, Hà Nội nằm trong khu vực tập kết 80 ngày của quân đội Pháp. Tuy nhiên, thực dân Pháp lợi dụng thời gian này để phá hoại các cơ sở kinh tế, văn hóa, lôi kéo người di cư vào Nam, gây rối loạn và làm cho mọi công việc bị đình trệ. Biết trước âm mưu của Pháp, ý thức rõ quy mô và tầm quan trọng của việc tiếp quản Hà Nội, Bộ Chính trị và Ban Bí thư Trung ương Đảng đã cử các đồng chí: Võ Nguyên Giáp, Lê Văn Lương, Xuân Thủy, Tố Hữu trực tiếp lãnh đạo và chỉ đạo công tác tiếp quản Thủ đô. Ngày 17/9/1954, theo quyết nghị của Chính phủ, Ủy ban Quân chính thành phố Hà Nội được thành lập để làm nhiệm vụ tiếp quản thành phố. Hội đồng Chính phủ đã công bố các chính sách đối với thành thị mới giải phóng, chính sách đối với tôn giáo, các điều kỷ luật của bộ đội, cán bộ và nhân viên công tác khi vào thành phố mới giải phóng; Bộ Tổng Tư lệnh đã ra lệnh cho các đơn vị bộ đội đang tiến về giải phóng Hà Nội phải giữ vững trật tự an ninh của thành phố, bảo vệ Nhân dân, bảo vệ ngoại kiều, triệt để chấp hành các chính sách và kỷ luật mà Chính phủ đã đề ra, luôn nâng cao cảnh giác, sẵn sàng đập tan mọi âm mưu khiêu khích, phá hoại.
Sau quá trình đấu tranh trên mặt trận ngoại giao yêu cầu thực dân Pháp rút khỏi Hà Nội đúng thời hạn, bảo đảm nguyên tắc chuyển giao trong trật tự, an toàn, không được phá hoại và không làm gián đoạn các hoạt động của đời sống Nhân dân; ngày 30/9/1954, hai bên đã ký Hiệp định chuyển giao Hà Nội về quân sự; ngày 2/10, ký tiếp Hiệp định chuyển giao Hà Nội về hành chính. Chính phủ ta đã phái các đội công an, trật tự, cảnh vệ, hành chính vào Hà Nội để chuẩn bị việc tiếp quản Thành phố.
Theo các văn bản đã được ký kết, từ ngày 2 đến ngày 5/10/1954, các đội hành chính, trật tự của ta vào thành phố trước, chuẩn bị cho việc tiếp quản các cơ quan, công sở, các công trình công cộng.
Ngày 6/10/1954, quân Pháp rút khỏi quận lỵ Văn Điển. Đây là quận lỵ đầu tiên ở ngoại thành được giải phóng. Cùng ngày, chúng rút khỏi thị xã Hà Đông và ở phía Bắc về Dốc Lã, cách Yên Viên 3km.
Theo kế hoạch đã định, sáng 8/10/1954, các đơn vị quân đội của ta tham gia tiếp quản Thủ đô, theo nhiều đường tiến về Hà Nội. Chiều 8/10, một số đơn vị tiến sát vành đai Đê La Thành, Nhật Tân, Cầu Giấy, Ngã Tư Sở, Bạch Mai và Vĩnh Tuy, trong khi đó, quân Pháp rút khỏi Yên Viên.
Sáng 9/10/1954, ta tiếp quản 4 quận Quảng Bá, Cầu Giấy, Ngã Tư Sở và Quỳnh Lôi. Quân đội ta theo nhiều đường, từ ngoại thành tiến vào tiếp quản Hà Nội, chia làm nhiều cánh quân tiến vào năm cửa ô chính rồi tỏa ra các khu. Lần lượt, bộ đội ta tiếp quản nhà ga Hà Nội, phủ Toàn quyền cũ, khu Đồn Thủy, khu Bờ Hồ, Bắc Bộ phủ. 16 giờ, quân đội Pháp rời khỏi thành phố Hà Nội, lặng lẽ rút sang phía Bắc cầu Long Biên. 16h30, quân đội ta hoàn toàn kiểm soát Hà Nội, tiếp quản thành phố an toàn và trật tự.
II. DIỄN BIẾN SỰ KIỆN NGÀY 10/10/1954
Sáng ngày 10/10/1954, Ủy ban Quân chính Thành phố và các đơn vị quân đội gồm có bộ binh, pháo binh, cao xạ, cơ giới… chia làm nhiều cánh lớn đã mở cuộc hành quân lịch sử tiến vào Hà Nội.
Đúng 8 giờ sáng, cánh quân phía Tây gồm những chiến sỹ bộ binh của Trung đoàn Thủ đô, mang trên ngực huy hiệu “Chiến sỹ Điện Biên Phủ”, xuất phát từ Quần Ngựa (nay là Cung Thể thao Hà Nội, phố Quần Ngựa) đi qua các phố: Kim Mã, Nguyễn Thái Học, Hàng Đẫy, Cửa Nam, Hàng Bông, Hàng Đào, Hàng Ngang... đến 9 giờ 45 phút tiến vào Cửa Đông.
Khoảng 8 giờ 45 phút, cánh quân phía Nam thuộc hai Trung đoàn 88 và 36 xuất phát từ Việt Nam Học xá (nay thuộc Đại học Bách khoa) đi qua Bạch Mai, phố Huế, vòng quanh Hồ Gươm, đóng ở khu vực Đồn Thủy (nay là Bệnh viện Quân y 108) và khu Đấu Xảo (nay là Cung Văn hóa Hữu nghị). Riêng Đoàn Chỉ huy tiếp quản, gồm cơ giới, pháo binh, do Chủ tịch Ủy ban Quân chính Vương Thừa Vũ và Phó Chủ tịch Trần Duy Hưng dẫn đầu, lúc 9 giờ 30 phút từ sân bay Bạch Mai đến Ngã Tư Vọng sang Ngã tư Trung Hiền rồi theo đường Bạch Mai lên phố Huế, Hàng Bài, Đồng Xuân, vào Cửa Bắc.
Vào lúc 15 giờ, sau một hồi còi dài tại Nhà Hát Lớn, hàng trăm nghìn người dân Hà Nội và các lực lượng vũ trang đã chỉnh tề tham dự lễ chào cờ do Ủy ban Quân chính tổ chức tại Sân vận động Cột Cờ.
Sau lễ chào cờ, Chủ tịch Ủy ban Quân chính Vương Thừa Vũ trân trọng đọc Lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi đồng bào Thủ đô nhân Ngày Giải phóng. Trong Lời kêu gọi, Bác viết: “Tám năm qua, Chính phủ phải xa rời Thủ đô để kháng chiến cứu nước. Tuy xa nhau, nhưng lòng Chính phủ luôn luôn gần cạnh đồng bào. Ngày nay do Nhân dân ta đoàn kết nhất trí, quân đội ta chiến đấu anh dũng, hòa bình đã thắng lợi, Chính phủ lại trở về Thủ đô với đồng bào. Muôn dặm một nhà, lòng vui mừng khôn xiết kể!”[1] và căn dặn: “Chính phủ có quyết tâm, toàn thể đồng bào Hà Nội đồng tâm nhất trí góp sức với Chính phủ, thì chúng ta nhất định vượt được mọi khó khăn và đạt được mục đích chung: Làm cho Hà Nội thành một Thủ đô yên ổn, tươi vui và phồn thịnh”[2].
Công cuộc tiếp quản Thủ đô thành công tốt đẹp. Ta đã tiếp thu an toàn và nhanh gọn 129 công sở, công trình công cộng, xí nghiệp, bệnh viện, trường học, trong đó có các vị trí quân sự và các cơ quan đầu não quan trọng như Thành Hà Nội, Đồn Thủy, sân bay Bạch Mai, sân bay Gia Lâm, Phủ Toàn quyền, Phủ Thủ hiến Bắc Việt, sở Mật thám liên bang. Sinh hoạt của Nhân dân vẫn giữ được bình thường, ổn định. Các ngành điện, nước, giao thông liên lạc hoạt động đều, thông suốt, an ninh chính trị, trật tự xã hội được bảo đảm tốt; trường học, bệnh viện, các cơ quan văn hóa, báo chí… tiếp tục hoạt động bình thường dưới sự quản lý của chính quyền.
Ngày giải phóng Thủ đô là sự kiện đánh dấu bước ngoặt quan trọng, khẳng định thắng lợi hoàn toàn của quân và dân ta trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, đồng thời mở ra một thời kỳ mới trong lịch sử ngàn năm văn hiến của Thăng Long - Đông Đô - Hà Nội.
III. HÀ NỘI PHÁT HUY TRUYỀN THỐNG LỊCH SỬ, XỨNG DANH THỦ ĐÔ ANH HÙNG, NGÀN NĂM VĂN HIẾN
Ngay sau khi tiếp quản Thủ đô, Đảng bộ và chính quyền Hà Nội đã lãnh đạo Nhân dân khẩn trương khôi phục những cơ sở bị chiến tranh tàn phá, ổn định tình hình, từng bước vượt qua khó khăn, tổ chức lại sản xuất, bảo đảm đời sống Nhân dân, xây dựng cơ sở vật chất ban đầu của chủ nghĩa xã hội.
Trong 10 năm (1954-1964), ở vùng ngoại thành Hà Nội, nông dân được chia ruộng đất, phấn khởi phát triển sản xuất và tham gia vào các tổ đổi công và hợp tác xã. Công thương nghiệp tư bản tư doanh được cải tạo một cách hòa bình bằng hình thức công tư hợp doanh. Các khu công nghiệp mới ra đời, hàng loạt nhà máy, xí nghiệp mới mọc lên. Nhiều công trình thủy lợi, nông trường, trại chăn nuôi được xây dựng. Mạng lưới giao thông được mở mang phát triển. Nhiều trường đại học lớn ra đời. Một số bệnh viện cũ được cải tạo, nâng cấp và xây dựng nhiều bệnh viện mới. Đến năm 1965, Hà Nội đã trở thành một trung tâm công nghiệp lớn của miền Bắc. Sự nghiệp văn hóa, giáo dục phát triển vượt bậc. Đời sống Nhân dân được cải thiện.
Đi đôi với việc xây dựng kinh tế, phát triển văn hóa, xã hội, Nhân dân Hà Nội đẩy mạnh đấu tranh và không ngừng chi viện cho miền Nam chống đế quốc Mỹ xâm lược. Phong trào “Ngày thứ Bảy đẩy mạnh đấu tranh thống nhất Tổ quốc” do Nhà máy xe lửa Gia Lâm khởi xướng; phong trào “Mỗi người làm việc bằng hai vì miền Nam ruột thịt, vì Huế - Sài Gòn kết nghĩa” được các tầng lớp Nhân dân Thủ đô nhiệt tình hưởng ứng. Khi đế quốc Mỹ gây ra sự kiện Vịnh Bắc Bộ, mở rộng chiến tranh ra miền Bắc, cả Hà Nội càng sục sôi khí thế chống Mỹ, cứu nước. Thanh niên Thủ đô đã dấy lên phong trào “Ba sẵn sàng”; phụ nữ Thủ đô dấy lên phong trào “Ba đảm đang” và đã nhanh chóng lan rộng, trở thành phong trào chung của cả nước.
Ngày 29/6/1966, không quân của đế quốc Mỹ ném bom kho xăng Đức Giang, bắt đầu giai đoạn đánh phá trực tiếp vào Thủ đô Hà Nội. Với tinh thần “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”, quân dân Hà Nội không sợ hy sinh đã chiến đấu anh dũng, sáng tạo, làm tốt công tác phòng không sơ tán, giữ gìn trật tự trị an, duy trì đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội, tiếp tục chi viện sức người, sức của cho tiền tuyến lớn miền Nam. Đặc biệt, 12 ngày đêm cuối tháng 12/1972, Mỹ dùng máy bay B52 ném bom rải thảm Hà Nội và nhiều tỉnh, thành phố khác. Hà Nội cùng với các quân, binh chủng, các tỉnh, thành phố bình tĩnh, tự tin, tổ chức lực lượng chiến đấu, đánh thắng hoàn toàn cuộc tập kích chiến lược bằng không quân của đế quốc Mỹ, lập nên kỳ tích “Điện Biên Phủ trên không”, góp phần tạo ra bước ngoặt lịch sử, làm thay đổi căn bản cục diện của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, buộc Chính phủ Mỹ phải ký Hiệp định Paris, chấm dứt chiến tranh, lập lại hoà bình ở Việt Nam, tiến tới giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Bước vào thời kỳ đổi mới từ năm 1986 đến nay, mặc dù gặp nhiều khó khăn, thách thức, tuy nhiên, kế thừa truyền thống cách mạng anh hùng, bám sát sự chỉ đạo của Trung ương, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Thủ đô đã chủ động triển khai đồng bộ nhiều chương trình, kế hoạch để thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội, đời sống vật chất, tinh thần của người dân ngày một nâng cao.
Hiện nay, trong bối cảnh cả nước gặp khó khăn, tốc độ tăng trưởng kinh tế của nhiều địa phương giảm, Hà Nội vẫn bền bỉ tăng trưởng, mức tăng GRDP 6,27% (năm 2023), cao hơn so với mức tăng trưởng chung của cả nước (5,05%). Thu nhập của người dân tiếp tục được cải thiện, bình quân 150 triệu đồng/người/năm. Hai năm gần đây, Hà Nội đứng đầu cả nước về thu nội địa. Năm 2022, tổng thu ngân sách trên địa bàn thành phố lần đầu tiên vượt mức 300.000 tỉ đồng (đạt 332.089 tỉ đồng), trong đó thu nội địa cũng lần đầu tiên đạt 302.917 tỉ đồng, cao nhất cả nước. Năm 2023, tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn thành phố đạt hơn 410.000 tỉ đồng, trong đó thu nội địa tiếp tục dẫn đầu cả nước với trên 381.000 tỉ đồng. Đến hết năm 2023, thành phố có 18/18 huyện đạt chuẩn nông thôn mới với 382/382 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 183 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và 68 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu, an sinh xã hội đảm bảo, quốc phòng, an ninh trên địa bàn được giữ vững, năng suất lao động ngày càng tăng, đạt bình quân trên 7%/năm.
Văn hóa, thể thao, du lịch, giáo dục, y tế và tôn tạo di tích được chú trọng đầu tư và phát triển. Năm 2023 khách du lịch quốc tế đến Hà Nội tăng 3,5 lần so với cùng kỳ năm 2022; khách du lịch trong nước tăng 19,1%. An sinh xã hội được đảm bảo, nhất là công tác xóa đói, giảm nghèo, giải quyết việc làm, chăm sóc các đối tượng chính sách xã hội. Tính đến hết năm 2023, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn thành phố giảm còn 0,03%; tỷ lệ hộ cận nghèo 0,7%. Tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế đạt 93,5%. Bên cạnh đó, thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, an ninh có nhiều đổi mới, sáng tạo, sát với tình hình thực tiễn. Công tác đối ngoại của thành phố đã có những bước chuyển mình tích cực. Đến nay, Hà Nội đã ký thỏa thuận hợp tác với 61 Thủ đô, thành phố các nước; có quan hệ kinh tế thương mại với gần 200 quốc gia và vùng lãnh thổ…
Công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch và phát triển đô thị có nhiều tiến bộ, thúc đẩy sự phát triển các lĩnh vực của đời sống xã hội. Từ một đô thị có quy mô dân số khoảng 43,7 vạn người những ngày đầu giải phóng, đến nay, Hà Nội có quy mô dân số hơn 8 triệu người và không ngừng phát triển. Hà Nội cũng là một trong số ít những Thủ đô trên thế giới có lịch sử, truyền thống văn hóa hơn ngàn năm tuổi và được biết đến là "Thành phố di sản", là nơi hội tụ và lan tỏa văn hóa, văn minh, nơi có bề dày trầm tích văn hóa với số lượng di sản lớn nhất cả nước với hệ thống danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử phong phú, các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể đặc sắc với 5.922 di tích được kiểm kê; 1.350 làng nghề, gần 1.700 lễ hội dân gian, 1.793 di sản văn hóa phi vật thể.
Với những cố gắng, nỗ lực trong suốt 70 năm qua của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Thủ đô, Hà Nội xứng đáng là trung tâm chính trị - hành chính quốc gia, trung tâm lớn về văn hóa, khoa học, giáo dục, kinh tế và giao dịch quốc tế của cả nước, được bạn bè thế giới ngợi ca và được UNESCO vinh danh là “Thành phố vì hòa bình”; 3 lần được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Sao Vàng, tặng danh hiệu “Thủ đô Anh hùng”.
Trong bối cảnh mới, tiếp tục đẩy mạnh công nghiện hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế sâu rộng với nhiều thách thức đặt ra từ cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, Hà Nội cần tiếp tục tập trung phát triển kinh tế - xã hội, huy động và phát huy các nguồn lực, động lực phát triển mới, nhất là nguồn lực con người, nguồn lực văn hóa; quan tâm hơn nữa đến nhiệm vụ phát triển văn hóa, xã hội, hài hòa và ngang tầm với phát triển kinh tế; tiếp tục củng cố, tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh, đối ngoại; giữ vững ổn định chính trị, trật tự, an toàn xã hội; nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế; làm tốt hơn nữa công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị thực sự trong sạch, vững mạnh...; phấn đấu đến năm 2030, Hà Nội là thành phố “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”, nơi hội tụ tinh hoa văn hóa của cả nước và thế giới; trung tâm đi đầu trong nghiên cứu, sáng tạo, ứng dụng và chuyển giao khoa học - công nghệ mới; trung tâm, động lực thúc đẩy phát triển vùng đồng bằng sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm của Bắc Bộ và cả nước; trung tâm kinh tế tài chính lớn, cực tăng trưởng có vai trò dẫn dắt kinh tế của đất nước, có tầm ảnh hưởng trong khu vực, dựa trên mô hình phát triển xanh và kinh tế tuần hoàn, kinh tế số và kinh tế chia sẻ; thực sự là trung tâm lớn, tiêu biểu, hàng đầu cả nước về giáo dục, đào tạo chất lượng cao, ngang tầm khu vực và quốc tế.
Kỷ niệm 70 năm Ngày giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2024) là dịp chúng ta nhìn lại một chặng đường lịch sử vẻ vang, bước trưởng thành và phát triển để thêm tự hào và trách nhiệm với Hà Nội; chung tay, góp sức đưa Thủ đô vượt qua mọi khó khăn, thách thức, thực hiện thành công Nghị quyết số 15 - NQ/TW ngày 05/5/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; cùng đất nước vững bước trên con đường đổi mới, hội nhập và phát triển, tiếp tục lập được những thành tựu mới, xứng đáng hơn nữa với niềm tin của Đảng, Nhà nước và đồng bào cả nước dành cho Thủ đô, để Thăng Long - Đông Đô - Hà Nội xứng đáng là Thủ đô Anh hùng của dân tộc Việt Nam Anh hùng.
BAN TUYÊN GIÁO TRUNG ƯƠNG
 
KÝ ỨC NHỮNG NGÀY TIẾP QUẢN HÀ NỘI
NHÌN TỪ “LĂNG KÍNH” TÀI LIỆU LƯU TRỮ

Ngày 3/10, triển lãm “Hà Nội - Ký ức những ngày tiếp quản” mở cửa đón khách tham quan tại Nhà triển lãm 61 Tràng Tiền, Hà Nội.
Đại diện đơn vị tổ chức, bà Trần Việt Hoa, Giám đốc Trung tâm Lưu trữ Quốc gia III (Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước) cho biết triển lãm giới thiệu gần 100 hình ảnh, tài liệu lưu trữ là những minh chứng góp phần tái hiện những thời khắc lịch sử hào hùng của dân tộc và Thủ đô từ khi Hiệp định Geneva năm 1954 được ký kết.
Triển lãm chia thành 3 nội dung: Một số tài liệu về chiến thắng Điện Biên Phủ, về Hiệp định Geneva; Về quá trình chuẩn bị tiếp quản; Về tình hình tiếp quản Hà Nội.
Theo bà Trần Việt Hoa, triển lãm là dịp nhìn lại một chặng đường lịch sử để thêm yêu, thêm tự hào và thêm trách nhiệm với Hà Nội, để đưa Thủ đô yêu dấu vượt qua mọi thử thách, cùng đất nước vững bước trên con đường đổi mới và hội nhập, tiếp tục lập được những thành tựu mới, xứng đáng hơn nữa với niềm tin yêu của Đảng, Nhà nước và đồng bào cả nước dành cho Thủ đô.
Triển lãm sẽ kéo dài đến ngày 20/10.
Cũng nhân kỷ niệm 70 năm ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2024), Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I (Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước) phối hợp với Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long-Hà Nội và Sở Nội vụ Hà Nội tổ chức trưng bày tài liệu lưu trữ với chủ đề “Hà Nội và những cửa ô.”
Lễ khai mạc sẽ diễn ra vào hồi 10 ngày 7/10 tại Khu di sản Hoàng thành Thăng Long, 9 Hoàng Diệu, Hà Nội.
Trưng bày tái hiện lịch sử các cửa ô của Hà Nội; cung cấp một góc nhìn trực quan, sinh động nhất về các hoạt động đời sống xã hội xung quanh các cửa ô và sự biến mất của hầu hết các cửa ô vào những năm cuối thế kỷ XIX và đầu thế kỷ XX.
Bên cạnh đó, trưng bày giới thiệu về quá trình tiếp quản Thủ đô Hà Nội (10/10/1954) và những bước phát triển của Thủ đô sau ngày đất nước thống nhất đến nay thông qua các nguồn sử liệu, các hình ảnh, bản đồ, bản vẽ, các tài liệu viết bằng ngôn ngữ Hán Nôm và tiếng Pháp được lưu trữ tại Viện Viễn đông Bác cổ Pháp tại Hà Nội (EFEO), Viện Thông tin Khoa học xã hội và đặc biệt là Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I, Trung tâm Lưu trữ lịch sử Thành phố Hà Nội.
Trưng bày giới thiệu 200 tài liệu, hình ảnh với nội dung chia thành 3 chủ đề: "Cửa ô xưa" giới thiệu về lịch sử hình thành các cửa ô của Thăng Long - Hà Nội; "Cửa ô chiến thắng" kể lại sự kiện tiếp quản Hà Nội tháng 10/1954; "Cửa ô Hà Nội hôm nay" làm nổi bật sự thay đổi diện mạo của Hà Nội sau những thay đổi địa giới hành chính.  
NHỚ NGÀY GIẢI PHÓNG THỦ ĐÔ

Ngày 30-9-1954, sau nhiều ngày đấu tranh quyết liệt, các hiệp nghị về việc chuyển giao Hà Nội được ký kết. Theo quyết nghị ngày 17-9-1954 của Hội đồng Chính phủ, Ủy ban Quân chính TP Hà Nội được thành lập do Thiếu tướng Vương Thừa Vũ, Tư lệnh trưởng Sư đoàn Quân Tiên phong 308, làm Chủ tịch và bác sĩ Trần Duy Hưng làm Phó Chủ tịch.
Ngày 2-10-1954, tại Ủy ban liên hợp đình chiến T.Ư và tiếp sau đó, Chính phủ phái các đội công an, trật tự, cảnh vệ, hành chính vào Hà Nội chuẩn bị việc tiếp quản.
Một vinh dự lớn đối với sư đoàn Quân Tiên phong là trước khi vào tiếp quản, được gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Đền Hùng (tỉnh Phú Thọ). Tại đây, Người căn dặn: “Ngày xưa, các vua Hùng đã có công dựng nước, ngày nay bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước...Tám, chín năm nay, do quân dân ta kiên quyết kháng chiến nên mới có thắng lợi trở về Hà Nội. Vì thế, các chú được Trung ương và Chính phủ giao cho nhiệm vụ tiếp quản Thủ đô là được nhận một vinh dự lớn”.
Sáng 8-10-1954, theo kế hoạch đã định, các đơn vị quân đội chia thành nhiều đường tiến vào ngoại thành, đến 16 giờ 30 phút thì tới đường Đê La Thành, Vĩnh Tuy, Bạch Mai, Ngã Tư Sở, Ô Cầu Giấy, Nhật Tân.
Sáng 9-10-1954, từ 6 giờ, các đơn vị bộ đội tiền trạm theo nhiều đường, từ ngoại thành vào nội thành, chia làm nhiều cánh quân tiến vào năm cửa ô chính, rồi từ đó tỏa đi khắp nơi. Bộ đội ta đã tiếp quản ga Hàng Cỏ, Phủ toàn quyền, khu Đồn Thủy, khu hồ Hoàn Kiếm, Bắc Bộ Phủ…
16 giờ, quân đội Pháp rời khỏi thành phố, lặng lẽ rút sang phía đông cầu Long Biên.
16 giờ 30 phút, quân đội ta hoàn toàn kiểm soát TP Hà Nội, tiếp quản thành phố gọn gàng và trật tự.
5 giờ ngày 10-10-1954, nhân dân Thủ đô quần áo chỉnh tề, mang cờ, hoa, ảnh Bác Hồ, xếp thành đội ngũ trật tự, theo từng công sở, xí nghiệp, trường học, khu phố...kéo tới những con đường chờ đón đoàn quân sẽ diễu qua. Đoàn xe đầu tiên do Thiếu tướng Vương Thừa Vũ và bác sĩ Trần Duy Hưng dẫn đầu.
8 giờ, cánh quân phía tây xuất phát từ Quần Ngựa. Đó là những chiến sĩ bộ binh của Trung đoàn Thủ đô, do trung đoàn trưởng Nguyễn Quốc Trị, Anh hùng quân đội, dẫn đầu. Các chiến sĩ diễu binh qua các phố Kim Mã, Hàng Đẫy, Cửa Nam, Hàng Bông, Hàng Đào, Hàng Ngang... đến 9 giờ 45 phút tiến vào cửa đông TP Hà Nội.
8 giờ 45 phút, cánh quân phía nam xuất phát từ Việt Nam học xá, đi qua Bạch Mai, phố Huế, diễu binh qua hồ Gươm, rồi vòng lại chiếm lĩnh toàn bộ khu Đồn Thủy (Bệnh viện Hữu Nghị ngày nay) và khu Đấu Xảo (Cung Văn hóa Lao động Hữu nghị ngày nay).
9 giờ 30 phút, đoàn cơ giới và pháo binh xuất phát từ Bạch Mai, qua phố Huế, đến bờ hồ, qua Hàng Đào, Hàng Ngang, chợ Đồng Xuân, rẽ sang đường Cửa Bắc, tiến vào thành lúc 10 giờ 45 phút.
Các đơn vị bộ đội ta đi đến đâu, gương mặt thành phố biến đổi đến đó. Cờ Tổ quốc tung bay dưới nắng thu. Nhân dân ùa ra hai bên đường, phất cờ, tung mũ, reo mừng, ca hát, tặng hoa bộ đội. Cổng chào, băng, khẩu hiệu rực rỡ các đường phố, cờ đỏ sao vàng phấp phới trên các số nhà. Ôi, ngày mong đợi đã về đây!
15 giờ, còi trên nóc Nhà hát thành phố nổi lên một hồi dài. Hàng trăm nghìn người dân Hà Nội dự lễ chào cờ do Ủy ban Quân chính tổ chức tại sân vận động Cột Cờ với sự tham gia của các đơn vị quân đội. Sau lễ chào cờ, Chủ tịch Ủy ban Quân chính Vương Thừa Vũ trân trọng đọc lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi đồng bào Thủ đô nhân ngày giải phóng. Mở đầu Lời kêu gọi, Người viết: “Tám năm qua, Chính phủ phải xa rời Thủ đô để kháng chiến cứu nước. Tuy xa nhau, nhưng lòng Chính phủ luôn luôn gần cạnh đồng bào...”, tất cả mọi người đều rưng rưng xúc động.Ngày 10-10-1954 đã trở thành một dấu ấn thật khó quên.
Từ mờ sáng 9-10, anh chị em Ban Tuyên huấn Thành ủy và Sở Văn hóa tề tựu trước năm cửa ô. Các tổ tuyên truyền xung phong làm nhiệm vụ phổ biến chủ trương, chính sách của Ủy ban Quân chính và mời đồng bào sáng hôm sau đi đón con em trong đoàn quân chiến thắng trở về. Chiều và tối 9-10, anh em đã tập trung tại Nhà thương Đồn Thủy (nơi lính Pháp vừa rút hết, nay là Bệnh viện Trung ương Quân đội 108).
Một tờ báo mới mang tên Tin Tức của Ủy ban Quân chính, ra đời. Trung ương cử nhà báo Nguyễn Thành Lê phụ trách tờ báo. Tòa soạn gồm các nhà báo: Trần Việt, Chu Hà, Nguyễn Tiêu, Ngô Dư, Ngô Thi, Ngô Thị Dương... làm các công việc do tổ chức phân công. Từ cán bộ phụ trách đến phóng viên đều lo làm tin về công tác tiếp quản thắng lợi, viết nghị luận về đường lối, chính sách của chính quyền cách mạng, về các vấn đề trong nước và thế giới…
Tổ làm tin do nhà báo Nguyễn Tiêu, sau này là Tổng Biên tập Báo Đại đoàn kết, làm tổ trưởng, nhà báo Ngô Thi chuyên nghe Đài Phát thanh Tiếng nói Việt Nam, các đài nước ngoài, ghi tốc ký, làm tin...
Mờ sáng 10-10-1954, các em bán báo rao lanh lảnh, mời mọi người mua báo mới: “Báo Tin Tức của Ủy ban Quân chính đây”, “Báo Thời Mới đây”. Tờ báo ra hằng ngày, khổ rộng bằng tờ tuần báo hiện nay, có bốn trang, in ti-pô đen trắng, rất ít ảnh. Tên Báo Tin Tức in chữ to đậm, kích thước mỗi con chữ là 24mm x 25mm, loại chữ có chân, nghiêm túc. Dưới tên Báo Tin Tức có dòng chữ in hoa: Cơ quan của Ủy ban Quân chính thành phố Hà Nội.
Ngày 10-11-1954, Ủy ban Quân chính Hà Nội ra mắt. Nhiệm vụ tờ Báo Tin Tức của Ủy ban Quân chính hoàn thành. Nhiều cán bộ của các báo chuyển sang công tác khác, một số về tờ Tin Hà Nội, với danh nghĩa “Cơ quan thông tin xuất bản tại Thủ đô”. Tòa soạn đặt tại 47 phố Hàng Dầu. Thực chất đây là bản tin của Sở Tuyên truyền văn nghệ, sau này là Sở Văn hóa Hà Nội, đảm nhiệm. Tờ Tin Hà Nội ra đến số 311 (ngày 1-5-1956) thì ngừng vì Thành ủy chuẩn bị xuất bản Báo Thủ đô - cơ quan ngôn luận của Đảng bộ TP Hà Nội, tiền thân Báo Hà Nội Mới ngày nay.
Sau khi hoàn thành nhiệm vụ tuyên truyền công tác tiếp quản, Trung ương Đảng điều đồng chí Nguyễn Thành Lê nhận nhiệm vụ làm Phó Tổng Biên tập Báo Nhân Dân . Đồng chí Lê điều một số anh chị em ở Báo Tin Tức cùng sang Báo Nhân Dân gồm: Trần Việt, Ngô Dư, Ngô Thi, Ngô Thị Dương...
Già nửa thế kỷ trôi qua. Giờ đây, người còn, người mất, để lại bao kỷ niệm của tuổi xanh đầy nhiệt huyết, nhìn nhận những con người của lịch sử, sức mạnh của nhân dân, tinh thần bất khuất của người Việt.


QUÂN VÀ DÂN HÀ NỘI ĐÁNH BẠI ÂM MƯU PHÁ HOẠI CỦA PHÁP TRƯỚC KHI RÚT QUÂN NHƯ THẾ NÀO?
Sau khi Hiệp định Genève được ký kết, cuộc kháng chiến của quân dân Thủ đô chống thực dân Pháp chuyển thành cuộc đấu tranh đòi thực dân Pháp chuyển giao thành phố cho ta theo đúng tinh thần Hiệp định Genève, giải phóng Thủ đô khỏi ách đế quốc xâm lược.
Pháp âm mưu muốn ta tiếp quản một Thủ đô kiệt quệ, hỗn loạn
Ngày 20/7/1954, Hiệp định Genève về Đông Dương được ký kết. Hòa bình lập lại ở Đông Dương trên cơ sở Pháp và các nước tham dự Hội nghị Genève cam kết tôn trọng độc lập, chủ quyền thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam, Lào và Campuchia. Ngừng bắn ở Việt Nam, Pháp rút quân về phía nam; vĩ tuyến 17 là giới tuyến quân sự tạm thời, nhân dân Việt Nam sẽ tổng tuyển cử tự do vào tháng 7/1956, để thống nhất đất nước.
Cuộc kháng chiến lâu dài và gian khổ của nhân dân ta chống đế quốc Pháp đã giành được thắng lợi vẻ vang. Nhưng do bản chất ngoan cố, bè lũ đế quốc chưa cam tâm chịu hoàn toàn thất bại. Hiệp định Genève ký chưa ráo mực thì đế quốc Pháp cấu kết với đế quốc Mỹ âm mưu phá hoại việc thực hiện Hiệp định, chia cắt lâu dài đất nước ta.
Ngày 25/7/1954 Ban Chấp hành Trung ương ra Lời kêu gọi, chỉ rõ: “Cuộc đấu tranh ái quốc của nhân dân ta đang chuyển sang một giai đoạn mới. Hình thức đấu tranh vũ trang đã đổi ra hình thức đấu tranh chính trị. Nhiệm vụ trước mắt của toàn dân ta và của Đảng ta còn rất nặng nề. Chúng ta phải ra sức phấn đấu để củng cố hòa bình, thực hiện thống nhất, hoàn thành độc lập dân chủ trong toàn quốc”.
Thực hiện nhiệm vụ đó, việc tiếp quản các thành thị lớn ở miền bắc mới giải phóng là một công tác rất quan trọng. Đặc biệt việc tiếp quản Hà Nội, giải phóng hoàn toàn Thủ đô có ý nghĩa hết sức trọng đại đối với sự nghiệp kháng chiến cứu nước của nhân dân ta.
Từ chỗ ra sức củng cố Hà Nội, xây dựng Hà Nội thành đầu não chỉ huy chiến tranh, thực dân Pháp được Mỹ giúp đỡ chuyển sang âm mưu phá hoại thành phố về mọi mặt trước khi chuyển giao cho ta. Trước mắt, chúng muốn ta tiếp quản một Thủ đô kiệt quệ, hỗn loạn, làm giảm uy tín của Chính phủ kháng chiến ở trong nước và quốc tế.
Hà Nội còn nằm trong vùng tập kết 80 ngày của quân đội Pháp. Từ chỗ ra sức củng cố Hà Nội, xây dựng Hà Nội thành đầu não chỉ huy chiến tranh, thực dân Pháp được Mỹ giúp đỡ chuyển sang âm mưu phá hoại thành phố về mọi mặt trước khi chuyển giao cho ta. Mục đích sâu xa của chúng là ngăn trở không cho ta mau chóng xây dựng Thủ đô Hà Nội thành chỗ dựa để hàn gắn vết thương chiến tranh, khôi phục đất nước, để chúng dễ bề thực hiện những âm mưu, kế hoạch xâm lược mới chống lại nhân dân ta. Trước mắt, chúng muốn ta tiếp quản một Thủ đô kiệt quệ, hỗn loạn, làm giảm uy tín của Chính phủ kháng chiến ở trong nước và quốc tế.
Tuy nhiên, thực dân Pháp đang đứng trước tình hình quân đội viễn chinh suy sụp về tinh thần, ngụy quân ngụy quyền mất chỗ dựa, đang tan rã từng mảng lớn.
Trước tình hình đó, ở Hà Nội, một mặt, thực dân Pháp tìm mọi cách cứu vãn quân đội viễn chính và ngụy quân bằng cách khẩn trương đưa những đơn vị quân đội đã mất sức chiến đấu vào miền nam để củng cố lại; mặt khác, tăng cường quây ráp các khu xóm lao động, các làng ngoại thành hòng bắt lính ngụy bỏ trốn và bắt cả thanh niên vào lính.
Địch cố gắng vực dậy bộ máy ngụy quyền thành phố, làm công cụ để thực hiện các âm mưu phá hoại: di chuyển tài sản máy móc ở các công sở, xí nghiệp và cưỡng ép nhân dân di cư vào nam.
Địch cố gắng vực dậy bộ máy ngụy quyền thành phố, làm công cụ để thực hiện các âm mưu phá hoại: di chuyển tài sản máy móc ở các công sở, xí nghiệp và cưỡng ép nhân dân di cư vào nam. Lúc này, ngụy quyền thành phố hầu như tê liệt. Các cơ quan, công sở chỉ làm việc cầm chừng. Ngụy quyền cơ sở nằm im không dám hoạt động. Các đảng phái phản động bỏ chạy, một số ít rút vào bí mật. Thực dân Pháp phải để cho một số tên tay sai đắc lực của Mỹ nắm giữ các chức vụ quan trọng trong ngụy quyền.
Chiều 27/7/1954, ngụy quyền họp ở Tòa Thị chính, thành lập “Ủy ban di cư”. Ngày 2/8/1954, Ngô Đình Diệm ra Hà Nội thúc đẩy bọn tay chân, đặc biệt là bọn phản động đội lốt Thiên chúa giáo thực hiện kế hoạch tội ác đó.
Chúng đã huy động hàng nghìn nhân viên ngụy quyền làm việc này. Ngày 10/8/1954, đế quốc Mỹ đưa tên đô đốc Xa-bin ra Hà Nội, trực tiếp điều khiển việc cưỡng ép di cư. Mỹ đã cấp cho thực dân Pháp những phương tiện vật chất cần thiết để vận chuyển những người di cư, chuyên chở hồ sơ, tư liệu, máy móc ở các công sở, xí nghiệp, kho tàng xuống Hải Phòng để vào nam.
Để lung lạc tinh thần nhân dân, địch đổ trách nhiệm cho ta chia cắt đất nước, đe dọa chiến tranh trở lại. Chúng không ngớt tuyên truyền xuyên tạc chính sách tiếp quản của ta đối với các tầng lớp nhân dân thành phố, chú trọng nhiều đến công chức, trí thức, học sinh, sinh viên, tư sản... và nhất là đồng bào theo đạo Thiên chúa. Đối với mỗi tầng lớp nhân dân, chúng giở những thủ đoạn khác nhau để gây sức ép.
Chúng dùng bọn “Công đoàn vàng” mua chuộc, bắt ép công nhân và cán bộ kỹ thuật vào nam làm việc cho chúng. Từ tháng 7, Ngân hàng Đông Dương không cho rút tiền; đến tháng 8/1954, lại buộc những người có tiền gửi phải vào Sài Gòn để lĩnh. Tư sản Pháp kiều tìm cách nhượng bán cơ sở sản xuất kinh doanh. Một số tư sản người Hoa, người Việt cũng chuyển vốn vào Sài Gòn. Ngày 20/8/1954, địch ra lệnh đóng cửa các cơ quan công sở. Ngày 22/8/1954, chúng ra lệnh bắt buộc tất cả công chức, nhân viên kỹ thuật, bác sĩ, kỹ sư, nhà buôn lớn phải di cư vào nam.
Địch dồn những đồng bào công giáo nhẹ dạ ở các tỉnh về Hà Nội, tập trung vào các khu Hàng Chiếu, Nhà thờ Lớn, nhà thờ Hàng Bột, Nam Đồng và một số trường học như Xanh Ma-ri (Saint Marie), Pu-gi-ni-ê (Puginier)... Tình cảnh đồng bào thiếu thốn, bệnh tật rất cơ cực.
Địch dồn những đồng bào công giáo nhẹ dạ ở các tỉnh về Hà Nội, tập trung vào các khu Hàng Chiếu, Nhà thờ Lớn, nhà thờ Hàng Bột, Nam Đồng và một số trường học như Xanh Ma-ri (Saint Marie), Pu-gi-ni-ê (Puginier)... Tình cảnh đồng bào thiếu thốn, bệnh tật rất cơ cực.
Địch còn âm mưu đưa cả các tù chính trị vào nam. Ngày 26/7/1954, chúng chuyển số anh chị em tù chính trị ở Nhà Tiền và trại Thanh Liệt xuống Hải Phòng. Đầu tháng 9/1954, lại đưa tiếp một số tù chính trị còn bị giam ở Hỏa Lò, không chịu trao trả cho ta.
Nhằm mục đích phá hoại ta lâu dài về sau, các cơ quan tình báo đế quốc Pháp và Mỹ, lợi dụng lúc tình hình rối ren, cài người và tổ chức của chúng ở lại, tung gián điệp ra vùng tự do hoặc trà trộn vào nhân dân thành phố, bí mật trang bị vũ khí, điện đài và mọi phương tiện cho bọn này hoạt động. Tháng 8/1954, tổ chức gián điệp biệt kích của CIA, núp dưới danh nghĩa phái đoàn SMM dựa vào bọn Đại Việt, đã đặt được cơ sở ở Hà Nội, vạch kế hoạch phá hoại một số cơ quan kinh tế, văn hóa, một số cơ sở giao thông, đặc biệt là nhằm phá hoại nhà máy điện, nhà máy nước, cầu Long Biên, cảng sông Hồng. Ngày 10/9/1954, chúng đã nổ mìn phá chùa Một Cột.
Đánh bại âm mưu thâm độc
Từ chiến tranh chuyển sang hòa bình, chấp hành đường lối chủ trương của Trung ương Đảng, Đảng bộ Hà Nội chuyển từ lãnh đạo toàn dân kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược sang lãnh đạo toàn dân đấu tranh chính trị và kinh tế đòi thực dân Pháp nghiêm chỉnh thi hành Hiệp định Geneve; đấu tranh, bảo vệ thành phố, bảo vệ các xí nghiệp, công sở, chống địch phá hoại, bảo vệ tính mệnh, tài sản của nhân dân, quyền lợi của công nhân viên chức; phát triển mạnh mẽ lực lượng cách mạng trong thành phố, phối hợp chặt chẽ lực lượng bên ngoài vào tiếp quản thành phố, giải phóng hoàn toàn Thủ đô khỏi ách thống trị của đế quốc Pháp.
Tiếp quản thành phố là một cuộc đấu tranh phức tạp trên nhiều mặt: chính trị, kinh tế, văn hóa, tư tưởng, đòi hỏi phải có sự phòng bị về quân sự, phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa lực lượng chính trị và lực lượng vũ trang, giữa lực lượng kháng chiến ở ngoài vào và lực lượng kháng chiến tại chỗ trong thành phố, phải có sự phối hợp đấu tranh giữa nhân dân Thủ đô với cả nước, tạo nên sức mạnh buộc kẻ thù phải thực hiện đầy đủ các điều khoản đã ký kết, chặn bàn tay phá hoại của chúng. Ta lại chưa có kinh nghiệm quản lý các thành phố lớn. Tiếp thu và quản lý Hà Nội - trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, quân sự có ảnh hưởng chính trị lớn đến cả nước và trên quốc tế - đối với ta càng có nhiều khó khăn.
Trước mắt chỉ có 80 ngày để chuẩn bị mọi mặt, tình hình rất khẩn trương. Phong trào quần chúng trong thành phố đang phát triển nhanh và rộng, trong khi lực lượng cán bộ của ta có hạn. Mọi diễn biến mau lẹ từng ngày, từng giờ mà thành phố lại nằm sâu trong vùng địch kiểm soát, giao thông liên lạc khó khăn. Nhiệm vụ mới đòi hỏi Đảng bộ Hà Nội phải chuyển biến mạnh mẽ cả về tư tưởng và tổ chức, bảo đảm cho sự lãnh đạo của Đảng được đúng đắn, sát sao và kịp thời.
Bộ Chính trị và Ban Bí thư Trung Đảng đã cử các đồng chí Võ Nguyên Giáp, Lê Văn Lương, Xuân Thủy, Tố Hữu trực tiếp lãnh đạo và chỉ đạo công tác tiếp quản Thủ đô.
Trước những khó khăn đó, Bộ Chính trị và Ban Bí thư Trung Đảng đã cử các đồng chí Võ Nguyên Giáp, Lê Văn Lương, Xuân Thủy, Tố Hữu trực tiếp lãnh đạo và chỉ đạo công tác tiếp quản Thủ đô. Cuối tháng 8/1954, Trung ương Đảng đã bổ sung và tăng cường cán bộ cho Ban Chấp hành Đảng bộ Hà Nội, thành lập Đảng ủy tiếp quản thành phố. Ngày 29/8/1954, Trung ương đảng ra quyết định bổ sung các đồng chí Trần Danh Tuyên, Vương Thừa Vũ , Lê Quốc Thân, Khuất Duy Tiến, Trần Duy Hưng vào Ban Chấp hành Đảng bộ Hà Nội để phối hợp cùng các đồng chí Lê Trung Toản, Trần Vĩ, Trần Sâm, Nguyễn Tài, Quang Nghĩa... hoàn thành tốt nhiệm vụ lãnh đạo công tác tiếp quản Thủ đô.
Ngày 6/9/1954, Trung ương Đảng cử đồng chí Trần Quốc Hoàn làm Bí thư Thành ủy Hà Nội, Bí thư Đảng ủy tiếp quản Thủ đô.
Ngày 17/9/1954, theo quyết định của Chính phủ, Ủy ban Quân chính Hà Nội được thành lập do đồng chí Thiếu tướng Vương Thừa Vũ làm Chủ tịch; đồng chí Trần Duy Hưng làm Phó Chủ tịch. Trung ương đã điều động về Hà Nội hàng trăm cán bộ tuyển chọn từ các lớp học tiếp quản của Trung ương ở Việt Bắc và Liên khu III để xây dựng bộ máy tiếp quản thành phố.
Thấu suốt nhiệm vụ hàng đầu trong công tác tiếp quản là vấn đề an dân, Thành ủy đã xác định mục tiêu đấu tranh trước mắt là phải giữ vững được đời sống bình thường của nhân dân khi ta vào tiếp quản thành phố. Bằng bất kỳ giá nào cũng phải bảo đảm điện, nước, vệ sinh, ổn định đời sống bình thường của mọi tầng lớp nhân dân thành phố, đặc biệt giữ vững dòng điện là một nhiệm vụ quan trọng.
Giữa tháng 8/1954, công nhân ở hãng S.T.A.I mở đầu đấu tranh giữ máy móc, không cho chủ tư bản Pháp mang đi, bọn chủ phải nhượng bộ.
Để giữ vững dòng điện thành phố, Ban cán sự nội thành được giao nhiệm vụ trực tiếp chỉ đạo cuộc đấu tranh của công nhân nhà máy điện. Mục tiêu đấu tranh là đòi Pháp phải “bảo đảm đủ than dự trữ cho nhà máy”. Có than mới có việc cho công nhân làm, mới có điện cho người dân dùng, mới có ánh sáng để giữ gìn an ninh trật tự, mới có điện để đón mừng Chính phủ về tiếp quản. Khẩu hiệu kinh tế gắn liền với khẩu hiệu chính trị đã tập hợp được đông đảo công nhân trong hàng ngũ đấu tranh.
Từ nhà máy điện, phong trào đấu tranh chống địch phá hoại, di chuyển máy móc, thiết bị nguyên liệu, vật liệu nhanh chóng mở rộng sang nhà máy nước, bưu điện, ga Gia Lâm, Sở Lục lộ, Công ty vệ sinh...
Công nhân đã đấu tranh với nhiều hình thức hết sức phong phú, từ bãi công không thi hành lệnh chủ, làm đơn ký kiến nghị phản đối, cử đại biểu hoặc từng bộ phận, từng phân xưởng kéo lên bàn giấy của chủ chất vấn, yêu sách; đến hình thức đấu tranh toàn diện, đóng máy nghỉ việc tại chỗ, vừa dùng lý lẽ đấu tranh với địch, vừa kiên quyết giữ không cho địch tháo máy, chặn đường không cho địch chở máy đi… và cao hơn là hình thức công nhân có tự vệ bí mật làm nòng cốt tổ chức thay phiên nhau ngày đêm canh gác xí nghiệp để bảo vệ máy móc khi cuộc đấu tranh đi đến bước quyết liệt.
Thành ủy kịp thời chỉ đạo đẩy mạnh phong trào đấu tranh của các tầng lớp nhân dân trong thành phối hợp phong trào đấu tranh của công nhân và cuộc đấu tranh trên bàn hội nghị của Ủy ban liên hợp đình chiến ở Phù Lỗ, buộc thực dân Pháp phải tôn trọng những điều khoản đã ký kết.
Anh chị em bác sĩ, dược sĩ, y tá, giáo sư, giáo viên, công chức, nhân viên... ở các bệnh viện Bạch Mai, Phủ Doãn, Sở Y Bắc Việt, ở các trường công, tư và đại học, ở các cơ quan công sở của địch đã tìm cách cất giấu hoặc bí mật chuyển ra vùng tự do thuốc men, dụng cụ y tế, tài liệu khoa học, đồ dùng giảng dạy và thí nghiệm, cùng nhiều hồ sơ và phương tiện.
Ở các khu phố, nhân dân viết kiến nghị ủng hộ cuộc đấu tranh của công nhân gửi lên bọn chủ nhà máy điện đòi phải tiếp tế đủ than, gửi lên Ủy ban liên hợp đình chiến tố cáo và phản đối Pháp vi phạm Hiệp định Geneve, cướp bóc, phá phách các cơ quan xí nghiệp. Một số cán bộ kỹ thuật cao cấp, công chức lớp trên và chủ tư bản Pháp có liên hệ với cán bộ ta cũng tỏ thái độ đồng tình với phong trào đấu tranh của công nhân.
Phong trào đấu tranh chống địch âm mưu phá hoại thành phố đã lôi cuốn được đông đảo nhân dân tham gia từ công nhân và nhân dân lao động đến thanh niên, học sinh, sinh viên, công chức, trí thức, công thương gia. Nhân dân nhiều địa phương trong nước (Việt Bắc, Liên khu III, Liên khu IV...) đã gửi thư, điện động viên cổ vũ mạnh mẽ tinh thần đấu tranh của công nhân và nhân dân Thủ đô.
Thực dân Pháp đã dùng một số tên tay chân trong “Công đoàn vàng” đội lốt “cách mạng”, giả danh “kháng chiến” lừa gạt công nhân để phá ta.
Thực dân Pháp đã dùng một số tên tay chân trong “Công đoàn vàng” đội lốt “cách mạng”, giả danh “kháng chiến” lừa gạt công nhân để phá ta. Chúng vận động công nhân đình công, bỏ việc rời bỏ nhà máy để chúng mặc sức phá phách, di chuyển tài sản. Chúng khuyến khích công nhân tự do lấy các dụng cụ, đồ nghề, vật liệu mang đi, hòng mượn chính tay anh chị em phá thêm nhà máy. Chúng xuyên tạc chính sách của Chính phủ ta, tung tin bịa đặt, chia rẽ công nhân để đẩy công nhân kỹ thuật theo Pháp vào nam.
Cảnh giác, tỉnh táo, công nhân Hà Nội đã đoàn kết đấu tranh, vạch mặt phản động của bọn “Công đoàn vàng”. Bị thất bại, địch lại xoay sang dùng vũ lực uy hiếp công nhân. Chúng điều lính lê dương và Bảo chính đoàn đến tháo dỡ máy ở xưởng Bưu điện ngày 8/9/1921, nhà máy đèn Bờ Hồ ngày 12/9/1954 và đêm 8/10/1954. Nhưng trước sức mạnh đoàn kết đấu tranh của công nhân được đông đảo nhân dân ủng hộ, địch đã không thực hiện được âm mưu của chúng.
Trải qua hơn hai tháng, các tổ chức Đảng và Công đoàn bí mật ở cơ sở đã lãnh đạo công nhân đấu tranh quyết liệt với địch, giành được thắng lợi to lớn. Công nhân nhà máy điện Yên Phụ và nhà máy đèn Bờ Hồ đã buộc địch phải bảo đảm đủ 4.000 tấn than dự trữ đến ngày tiếp quản. Công nhân nhà máy nước đã giữ được nguyên vẹn thiết bị máy móc, bảo đảm cấp nước bình thường cho thành phố. Công nhân Hỏa xa Gia Lâm đã giữ được 3 toa xe nguyên vật liệu; công nhân hỏa xa Hà Nội giữ lại được tất cả 12 đầu máy và toàn bộ các xe.
Ở các nơi khác, công nhân cũng giữ lại được nhiều máy móc, nguyên liệu, nhiều hồ sơ tài liệu; đồng thời vận động, thuyết phục nhiều cán bộ, công nhân kỹ thuật ở Hà Nội, tham gia ổn định sản xuất sau khi ta tiếp quản. Kế hoạch phá hoại một số cơ sở giao thông, điện nước, cầu và cảng, văn hóa của bọn biệt kích do phái đoàn SMM của Mỹ tổ chức đã bị thất bại thảm hại.
Trong lúc tập trung lãnh đạo đấu tranh chống địch phá hoại, Thành ủy đồng thời chú ý lãnh đạo đấu tranh chống địch cưỡng ép nhân dân di cư. Được giải thích kịp thời, số đông nhân dân đã không mắc mưu thâm độc của địch.
Thanh niên tìm cách trốn ra vùng tự do; giáo viên, học sinh đòi khai giảng năm học mới vào tháng 9/1954, không đi nam; công chức lẩn tránh không đến nhiệm sở; nhà buôn, chủ xí nghiệp cất giấu hàng hóa, máy móc tạm lánh đi nơi khác. Một số trí thức được ta bố trí đưa ra căn cứ, trong đó có các bác sĩ đã có lệnh của địch bắt tập trung.
Một số nhà in và báo hằng ngày đã liên lạc với ta để được tiếp tục hoạt động sau khi ta vào tiếp quản. Một vài chủ tư bản Pháp kiều đã xin phép ta được tiếp tục kinh doanh sau này. Đại bộ phận nhân dân Hà Nội đã ở lại đón chờ ngày Thủ đô giải phóng. Riêng đối với số đồng bào ở các tỉnh bị địch dồn về Hà Nội để di cư, Thành ủy chỉ đạo tổ chức được một số cuộc tuyên truyền, vận động bà con trở về quê cũ. Nhưng do chủ trương chậm, triển khai thiếu tích cực nên kết quả không được bao nhiêu.
Công cuộc tiếp quản Thủ đô đã hoàn thành tốt đẹp do Trung ương Đảng lãnh đạo chặt chẽ; Đảng ủy tiếp quản có kế hoạch chuẩn bị tỉ mỉ, chu đáo; cán bộ, bộ đội làm nhiệm vụ tiếp quản giữ nghiêm kỷ luật. Ta tiếp thu tuyệt đối an toàn và nhanh gọn toàn bộ các vị trí quân sự của địch ở Hà Nội, trong đó sân bay Bạch Mai, sân bay Gia Lâm, các cơ quan quân sự ở Đồn Thủy và trong Thành (Xi-ta-đen) có tầm quan trọng đặc biệt.
Ta cũng đã tiếp thu 129 công sở, công trình lợi ích công cộng, xí nghiệp, bệnh viện, trường học... với Phủ Toàn quyền cũ. Phủ Thủ hiến Bắc Việt (Bắc Bộ phủ cũ), Sở mật thám Liên bang Đông Dương, những cơ quan đầu não thống trị của chính quyền thực dân Pháp và tay sai.
Sinh hoạt của nhân dân vẫn giữ được bình thường không bị gián đoạn. Các ngành lợi ích công cộng như điện, nước, vệ sinh... vẫn hoạt động đều. Các cơ quan y tế, văn hóa, giáo dục vẫn làm việc. Giao thông liên lạc trong thành phố, giữa Hà Nội và các tỉnh được giữ vững và thông suốt. Các cửa hàng, cửa hiệu, các chợ mở như thường lệ. Việc cung cấp lương thực, thực phẩm, chất đốt... và nhiều mặt hàng cần thiết khác cho nhân dân được bảo đảm đầy đủ. Mậu dịch quốc doanh giữ vai trò quan trọng trong việc ổn định đời sống nhân dân. An ninh chính trị, trật tự xã hội được bảo đảm tốt. Uy thế to lớn của cách mạng khiến cho bọn phản động và lưu manh phải nằm im không dám chống phá, gây rối.
 

Nguồn tin: Phòng NV CN&TT

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

 Văn Bản

16/2023/TT-BVHTTDl

Thông tư ban hành quy định tiêu chí, tiêu chuẩn chất lượng, định mức kinh tế kỹ thuật và hướng dẫn triển khai thực hiện

Thời gian đăng: 24/01/2025

lượt xem: 588 | lượt tải:112

16/2023/TT-BVHTTDL

Thông tư 16/2023/TT-BVHTTDL

Thời gian đăng: 24/01/2025

lượt xem: 381 | lượt tải:88

25/2023/NQ-HĐND

Nghị quyết số 25/2023/NQ-HĐND Bổ sung điểm c khoản 2 Điều 9 của quy định về các loại phí

Thời gian đăng: 24/01/2025

lượt xem: 614 | lượt tải:111

07/2023/TT-BVHTTDL

Thông tư 07/2023/TT-BVHTTDL

Thời gian đăng: 24/01/2025

lượt xem: 358 | lượt tải:88

1346/QĐ-BVHTTDL

Bộ VHTTDL Ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Chương trình “Đẩy mạnh các hoạt động phục vụ học tập suốt đời trong thư viện, bảo tàng, trung tâm văn hóa đến năm 2030”

Thời gian đăng: 24/01/2025

lượt xem: 732 | lượt tải:309

830QĐ-BVHTTDL

Quyết định số 830/QĐ-BVHTTDL về việc ban hành Chương trình bồi dưỡng tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành Thư viện

Thời gian đăng: 24/01/2025

lượt xem: 489 | lượt tải:308

03/2023/TT-BVHTTDL

Thông tư quy định tiêu chuẩn, điều kiện thi hoặc xét thăng hạng; hình thức, nội dung và xác định người trúng tuyển trong kỳ xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành thư viện, di sản văn hóa, văn hóa cơ sở, tuyên truyền viên văn hóa, ngh

Thời gian đăng: 24/01/2025

lượt xem: 469 | lượt tải:0

3815/QĐ-BVHTTDL

Quyết định Ban hành Quy tắc ứng xử nghề nghiệp của người làm công tác thư viện

Thời gian đăng: 24/01/2025

lượt xem: 30 | lượt tải:0

05/2022/TT-BVHTTDL

Thông tư số 05/2022/TT-BVHTTDL của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch: Hướng dẫn hoạt động thư viện lưu động và luân chuyển tài nguyên thông tin

Thời gian đăng: 24/01/2025

lượt xem: 24 | lượt tải:0

2114/QĐ-BVHTTDL

Ban hành Quy định về tiêu chí, tiêu chuẩn, nội dung, quy trình và định mức kinh tế-kỹ thuật trong hoạt động hỗ trợ, tư vấn về chuyên môn, nghiệp vụ thư viện và dịch vụ hỗ trợ học tập, nghiên cứu

Thời gian đăng: 24/01/2025

lượt xem: 383 | lượt tải:938

206/QĐ-TTg

Quyết định số 206/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ: Phê duyệt "Chương trình chuyển đổi số ngành thư viện đến năm 2025, định hướng đến năm 2030"

Thời gian đăng: 24/01/2025

lượt xem: 28 | lượt tải:0

93/2020/NĐ-CP

Nghị định 93/2020 - Quy định chi tiết một số điều của Luật Thư viện

Thời gian đăng: 24/01/2025

lượt xem: 1300 | lượt tải:492

46/2019/QH14

Luật số 46/2019/QH14 của Quốc hội: Luật Thư viện

Thời gian đăng: 24/01/2025

lượt xem: 30 | lượt tải:0
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây