Cây chè trên đất Phú Nhuận

Thứ ba - 04/05/2021 22:49 350 0

Đi lên từ một xã nghèo thuần nông, thành quả trong xây dựng nông thôn mới ở Phú Nhuận có hình bóng của cây chè, cây lúa, cây quế, gà đàn thả đồi, gia trại chăn nuôi lợn, cá ao hồ đập.

Nói đến xây dựng nông thôn mới ở huyện Bảo Thắng, không thể không nói đến xã Phú Nhuận. Năm 2010, khi bắt đầu xây dựng nông thôn mới, xã có gần 40% hộ nghèo. Sau 4 năm phấn đấu (năm 2014), Phú Nhuận trở thành xã đầu tiên của huyện Bảo Thắng, là 1 trong 4 xã của tỉnh Lào Cai “về đích” nông thôn mới. Phú Nhuận đang tiếp tục xây dựng nông thôn mới nâng cao.

Theo chân ông Trần Quang Chương, Chủ tịch UBND xã Phú Nhuận, chúng tôi đến các vùng trồng chè thôn Nhuần, Phú Lâm, Tân Lập... Hình ảnh chúng tôi ghi lại được là hàng chục gò đồi phủ kín màu xanh tươi của chè bắt đầu vào kỳ thu hái vụ xuân năm 2021. Nơi đây, bà con người Tày, Kinh, Dao đang thu hái chè trong màu xanh no đủ. Ghé thăm hộ Đỗ Văn Tuyên, thôn Phú Lâm, anh khoe năm ngoái thu hái bán được gần 60 tấn chè búp tươi, thu về 357 triệu đồng. Năm nay nhờ chăm bón tốt theo quy trình VietGAP nên chè có thể đạt năng suất cao hơn. Nếu giá mua của nhà máy vẫn ở mức 6.500 đồng/kg thì gia đình sẽ thu về khoảng 400 triệu đồng...

Che11
 
 

Nông dân Phú Nhuận thu hái chè vụ xuân.

Đứng trên khu đồi chè thôn Nhuần, Chủ tịch UBND xã cho biết: Phú Nhuận đã qua thời cán bộ đảng viên tự phát đi tìm, dân tự phát đi tìm lời giải bài toán trồng cây gì, nuôi con gì, rồi nhà nhà trồng thử, nhà nhà nuôi thử nhưng chưa biết gắn với thị trường nên hệ quả tất yếu là không mang lại hiệu quả kinh tế cao. Bây giờ có thể khẳng định Phú Nhuận đã qua thời loay hoay đi tìm lời hóa giải xóa đói, giảm nghèo bền vững. Phú Nhuận tận dụng và phát huy những tiềm năng, thế mạnh được thiên nhiên ban tặng như đất, rừng, nguồn nước. Từ đây, Đảng bộ xã và chính quyền xã Phú Nhuận xây dựng thành các nghị quyết chuyên đề tập trung phát triển 3 cây, 3 con mũi nhọn phù hợp với từng thôn, bản. Vùng đồng ruộng dành cho cây lúa; vùng đồi núi cao trồng cây quế; vùng đồi thấp trồng chè. Đối với 3 con là nuôi thủy sản, mở rộng mô hình chăn thả gà đồi, gia trại chăn nuôi lợn. Riêng cây chè, khi tiêu thụ sản phẩm ổn định, Phú Nhuận đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân thực hiện nghiêm những cam kết với Nông trường Chè Phong Hải về việc cung cấp nguyên liệu...

Trao đổi với chúng tôi, ông Trần Văn Long, nguyên Bí thư Đảng ủy xã Phú Nhuận cho biết thêm về câu chuyện cây chè trên mảnh đất này. Ngày trước, khi huyện Bảo Thắng cho triển khai chương trình, dự án trồng chè hàng hóa, xã Phú Nhuận gặp muôn vàn khó khăn, có lúc tưởng chừng thất bại bởi niềm tin vào tương lai chỉ là một bức tranh vẽ viễn cảnh bằng những lời nói suông. Dân chưa tin, chưa ủng hộ, thậm chí nhiều người trong đó có cả cán bộ, đảng viên nghi ngờ về thành công của chương trình, dự án này. Vấn đề được đặt ra là làm thế nào để dân tin và dân làm, đó cũng là câu hỏi làm đau đầu “các nhà lãnh đạo xã”. Nhiều cuộc họp của Đảng ủy, HĐND, UBND xã, các đoàn thể quần chúng cũng họp để bàn bạc dân chủ, nói rõ cái được trước mắt, cái được lâu dài là gì. Cuối cùng Đảng ủy xã cũng ra được nghị quyết chuyên đề để chỉ đạo trồng chè hàng hóa trên diện tích rộng ở Phú Nhuận. Nghị quyết có rồi thì gia đình các cán bộ chủ chốt xã, gia đình các đảng viên, các trưởng thôn phải làm trước. Thực hiện cam kết giữa Nông trường Phong Hải với xã, phía nông trường đã tích cực vào cuộc trong việc chuyển giao công nghệ gieo trồng và cung cấp giống. Theo đó, xây dựng nhà máy cùng cam kết với người sản xuất là bao tiêu sản phẩm chè, giá cả hợp lý, đảm bảo doanh nghiệp có lợi nhưng người trồng chè cũng phải có lợi. Mấy năm sau, cây chè ở đây “lên ngôi” so với nhiều loại cây khác, thực tế từ người trồng chè đã khẳng định cây chè đang góp phần xóa đói, giảm nghèo bền vững…

Mặt khác, sự cam kết hợp tác được Nông trường Phong Hải xây dựng Nhà máy Tân Phú tại địa phương đã thành hiện thực. Để nhà máy chè đủ công suất hoạt động thì đến năm 2010 - 2015 Phú Nhuận phải trồng được 300 ha đến 350 ha chè. Bước đầu Phú Nhuận đã hoàn thành quy hoạch các vùng đất tập trung cho phát triển cây chè hàng hóa không chỉ ở thôn Nhuần mà còn trải rộng đến các thôn Phú Hải, Phú An, Phú Hà, Phú Thịnh... Hiệu quả của sự ký kết hợp tác giữa địa phương với nhà máy chè đã tạo sự phấn khởi, lòng tin của cán bộ, đảng viên và người dân. Thu nhập của người trồng chè vừa ổn định, vừa được nâng cao đã góp phần thực hiện các tiêu chí nông thôn mới. Bây giờ đã xuất hiện nhiều hộ giàu lên, trong đó có nguồn thu cao từ cây chè như Đỗ Văn Tuyên thôn Phú Lâm; các gia đình có thu nhập từ 50 triệu đồng đến 250 triệu đồng như hộ ông Nguyễn Văn Tài, bà Nguyễn Thị Nâu, dân tộc Tày, thôn Nhuần; bà Nguyễn Thị Huệ, thôn Phú An; ông Nguyễn Văn Eo, thôn Tân Lập… Đó là sự bứt phá chuyển đổi mạnh từ sản xuất manh mún, tự cung tự cấp trước đây sang sản xuất hàng hóa của đồng bào các dân tộc ở Phú Nhuận hiện nay.

Trong chuyến thăm vùng cung cấp nguyên liệu chè xã Phú Nhuận, chúng tôi được ông Vũ Minh Đức, Giám đốc Công ty Cổ phần Phong Hải cho biết thêm về cam kết trách nhiệm bên mua, bên bán. Hiện nay, trên địa bàn huyện Bảo Thắng có 7 điểm thu mua chè búp tươi, riêng xã Phú Nhuận có hơn 650 hộ trồng chè, sản lượng chè búp tươi bình quân hằng năm cung cấp cho nhà máy 1.000 tấn với giá mua hiện tại từ 4.000 đồng/kg trở lên. Với giá thu mua như hiện nay, người trồng chè và nhà máy cùng có lãi, mang lại nguồn thu cho nông dân Phú Nhuận từ 5,5 đến 6 tỷ đồng/năm.

Khép lại chuyến thăm vùng cung cấp nguyên liệu chè Phú Nhuận, chúng tôi rất tâm đắc lời Bí thư Đảng ủy xã Nguyễn Hữu Lý: Trong quá trình xây dựng nông thôn mới trước đây và xây dựng nông thôn mới nâng cao hiện nay, Phú Nhuận đã khẳng định được vị thế của cây chè. Mặt khác, hướng đi của Phú Nhuận là phát triển giao thông nông thôn là “mạch máu” cho sự phát triển; nâng cao chất lượng cây lúa là đảm bảo an ninh lương thực cho hơn 12 nghìn dân; trồng cây chè, cây quế là tạo sức vươn xa; phát triển chăn nuôi con gà, con lợn, con cá là để dân thoát nghèo bền vững, vươn lên làm giàu... Nhờ vậy, Phú Nhuận đang thay đổi từng ngày, bóng dáng phố xá mọc lên len lỏi đến từng thôn, bản. Còn một vấn đề nữa xã Phú Nhuận đặc biệt chú trọng đó là xây dựng đời sống văn hóa tinh thần cho người dân. Ấy là một Phú Nhuận đáng sống nhìn từ con người văn minh, thân thiện; nhìn từ đường hoa rực rỡ sắc màu; nhìn từ đường thôn có đèn chiếu sáng ban đêm, nhìn từ thể dục, thể thao, dân ca, dân vũ..

Nguồn tin: baolaocai.vn/bai-viet/210907-cay-che-tren-dat-phu-nhuan

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

 Văn Bản

16/2023/TT-BVHTTDl

Thông tư ban hành quy định tiêu chí, tiêu chuẩn chất lượng, định mức kinh tế kỹ thuật và hướng dẫn triển khai thực hiện

Thời gian đăng: 20/04/2024

lượt xem: 202 | lượt tải:52

16/2023/TT-BVHTTDL

Thông tư 16/2023/TT-BVHTTDL

Thời gian đăng: 20/04/2024

lượt xem: 56 | lượt tải:11

25/2023/NQ-HĐND

Nghị quyết số 25/2023/NQ-HĐND Bổ sung điểm c khoản 2 Điều 9 của quy định về các loại phí

Thời gian đăng: 20/04/2024

lượt xem: 187 | lượt tải:35

07/2023/TT-BVHTTDL

Thông tư 07/2023/TT-BVHTTDL

Thời gian đăng: 20/04/2024

lượt xem: 55 | lượt tải:12

1346/QĐ-BVHTTDL

Bộ VHTTDL Ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Chương trình “Đẩy mạnh các hoạt động phục vụ học tập suốt đời trong thư viện, bảo tàng, trung tâm văn hóa đến năm 2030”

Thời gian đăng: 20/04/2024

lượt xem: 335 | lượt tải:147
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây